Lịch sử Giờ_ở_Úc

Việc chuẩn hoá giờ ở nước Úc bắt đầu Hội nghị các nhà khảo sát Liên thuộc địa diễn ra tại Melbourne, thủ phủ của thuộc địa Victoria năm 1892. Tại hội nghị, sau khi nghe giải trình từ đoàn chủ toạ, các đại biểu đã chấp nhận đề xuất của Hội nghị Kinh tuyến quốc tế 1884 trước đó, đồng ý áp dụng Giờ chuẩn Greenwich (GMT) làm căn cứ xác định giờ chuẩn của địa phương.

Cũng trong hội nghị này, có một tình huống hiểu lầm dẫn đến tranh cãi về đời tư giữa hai đại biểu, trong đó có một đại biểu đến từ Nam Úc. Theo thông tin từ tờ báo Salisbury Sun, vị đại biểu Nam Úc kia nghi ngờ vợ của mình ngoại tình với một gã ở Salisbury. Ông ta tin rằng nếu chỉnh múi giờ sớm hơn sẽ giúp mình về nhà sớm và bắt quả tang cặp tình nhân kia. Tới năm 1899, biến cố đó được cho là một trong những lý do khiến Nam Úc đổi múi giờ thêm 30 phút so với giờ miền Đông.[3]

Sau khi hội nghị kết thúc, chính quyền các thuộc địa bắt đầu ban hành quy định thiết lập múi giờ mới cho toàn xứ. Kể từ tháng 2 năm 1895, Tây Úc áp dụng múi giờ GMT+8; Nam Úc (cùng với lãnh thổ Bắc Úc do xứ này cai quản) áp dụng múi giờ GMT+9; và các xứ Queensland, New South Wales, Victoria và Tasmania sử dụng múi giờ GMT+10. Ba múi giờ này được đặt tên chính thức là Giờ chuẩn miền Đông, Giờ chuẩn miền Trung và Giờ chuẩn miền Tây. Thành phố Broken Hill ở cực tây của New South Wales cũng áp dụng múi giờ chuẩn miền Trung do nó có tuyến đường sắt kết nối với Adelaide, thay vì Sydney lúc đó.[4]

Đến tháng 5 năm 1899, xứ Nam Úc tăng múi giờ thêm nửa tiếng bất chấp tập quán quốc tế chỉ áp dụng chênh lệch chẵn 1 giờ. Để làm điều đó, xứ này xây dựng căn cứ tính giờ theo một kinh tuyến nằm ở phía đông, ngoài vùng của tiểu bang.[4] Nhiều giới chức ở bang này đã nỗ lực để điều chỉnh lại giờ chuẩn vào các năm 1986 và 1994 nhưng đều bị bác bỏ.

Khi lãnh thổ Bắc Úc tách khỏi Nam Úc và nằm dưới quyền quản lý của chính phủ liên bang, khu vực này giữ giờ miền Trung làm giờ chuẩn của mình. Tương tự, khi lãnh thổ thủ đô tách khỏi New South Wales, giờ địa phương của xứ này vẫn là giờ chuẩn miền Đông Úc.

Kể từ năm 1899 trở đi không có thay đổi đáng kể nào về múi giờ ở Úc. Các đổi thay chủ yếu đến từ các hải đảo ở xa bờ, chẳng hạn: tăng múi giờ trên Đảo Lord Howe từ UTC+10 lên UTC+10:10 và đảo Norfolk từ UTC+11:30 lên UTC+11. Cả hai đợt điều chỉnh này diễn ra ngày 4 tháng 10 năm 2015.[5]

Khi đề cập đến giờ miền Trung Úc (Australian Central Standard Time) và giờ miền Đông Úc (Australian Eastern Standard Time), người ta thường bỏ qua yếu tố 'Australian' và viết tắt thành EST, CST cho dễ nhớ. Tuy nhiên ngày nay trong các văn bản hành chính và trên báo chí, người viết thường có tập quán thêm chữ A vào để tránh nhầm lẫn với các múi giờ miền Trung, miền Đông ở Bắc Mỹ. [citation needed]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giờ_ở_Úc http://www.austlii.edu.au/au/legis/tas/consol_act/... http://www.austlii.edu.au/au/legis/vic/consol_act/... http://www.legislation.act.gov.au/a/1972-34/defaul... http://australia.gov.au/about-australia/our-countr... http://www.bom.gov.au/climate/averages/tables/dst_... http://nla.gov.au/nla.news-article29499737 http://trove.nla.gov.au/newspaper/article/3551062 http://www.lawlink.nsw.gov.au/Lawlink/cru/ll_cru.n... http://www.legislation.nsw.gov.au/maintop/view/inf... http://notes.nt.gov.au/dcm/legislat/legislat.nsf/d...